Ngoại hối dù là thuật ngữ không quá xa lạ với những ai đang làm việc hoặc quan tâm đến lĩnh vực kinh tế, tài chính, nhưng với các nhà đầu tư mới vào nghề có thể sẽ cảm thấy mơ hồ về khái niệm này. Và cho dù có hiểu rõ hay không thì 1 điều chắc chắn ai cũng biết rằng thị trường ngoại hối chính là 1 gã khổng lồ trong lĩnh vực tài chính, nên tiềm năng cũng như lợi nhuận mang lại là vô cùng lớn. Tuy nhiên, để có thể bước chân vào nơi này và đạt được những thành công nhất định, thì trước hết phải hiểu rõ bản chất và cơ chế hoạt động của nó.
Bài viết sau đây nhằm giúp các bạn, đặc biệt là những trader mới vào nghề, có được cái nhìn cơ bản nhất về thị trường ngoại hối, cũng như giải đáp một số thắc mắc thường gặp khi tham gia thị trường này.
Ngoại hối là gì?
Một điều chắc chắn khi nhắc đến ngoại hối, ai cũng sẽ nghĩ ngay đến giao dịch ngoại tệ ( đồng tiền của một quốc gia khác), nhưng đó chỉ là một phần nhỏ, thực tế ngoại hối có ý nghĩa rộng lớn hơn rất nhiều.
Ngoại hối là một thuật ngữ kinh tế dùng để chỉ tất cả các phương tiện có giá trị được sử dụng trong giao dịch quốc tế. Nói cách khác ngoại hối dùng để thanh toán các sản phẩm, dịch vụ được mua bán, trao đổi giữa các quốc gia, bao gồm:
- Ngoại tệ: là tiền của quốc gia khác được lưu thông trong một nước
- Phương tiện thanh toán ngoại hối: séc, hối phiếu, lệnh phiếu, thẻ ngân hàng…các công cụ này khi đến hạn sẽ được thanh toán bằng tiền nước ngoài
- Các chứng từ khác có giá bằng ngoại tệ: trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ty, cổ phiếu, kỳ phiếu…
- Vàng thuộc dự trữ ngoại hối của nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú, vàng dưới dạng thỏi, miếng, hạt khi mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ của một quốc gia.
- Đồng tiền của một quốc gia (nội tệ) trong trường hợp được chuyển vào hoặc chuyển ra khỏi lãnh thổ của quốc gia đó hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.
Giao dịch ngoại hối là gì?
Giao dịch ngoại hối (Foreign Exchange, FX, Forex) là hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa ngoại tệ và các loại giấy tờ có giá trị thanh toán bằng ngoại tệ trên thị trường quốc tế.
Khái niệm trên được sử dụng trong các giáo trình kinh tế, chỉ mang tính tổng quát và không cụ thể, sẽ khiến cho bạn khó lòng hiểu được hoạt động giao dịch ngoại hối diễn ra như thế nào.
Để đơn giản hóa các bạn có thể hình dung như sau:
Đối với chứng khoán, hoạt động mua bán cổ phiếu, trái phiếu, các chứng khoán khác được gọi là giao dịch chứng khoán.
Đối với bất động sản, hoạt động mua, bán nhà ở, đất đai… được gọi là giao dịch bất động sản.
Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn; hay thẻ ATM; hoạt động gửi, rút tiền hay chuyển tiền cho người khác được gọi chung là giao dịch ngân hàng.
Như vậy, đối với ngoại hối, giao dịch ngoại hối chỉ đơn giản là hoạt động mua, bán 1 loại sản phẩm ở đây chính là tiền tệ. Nhưng vì chúng được giao dịch theo cặp, nên khi mua một loại tiền tệ này đồng nghĩa bạn cũng đang bán đi một loại tiền tệ khác.
Xem thêm:
Thị trường ngoại hối là gì?
Từ hai khái niệm kể trên, có thể thấy thị trường ngoại hối (Foreign Exchange Market, FX Market, Forex Market) là một thị trường phi tập trung nơi cho phép giao dịch và trao đổi tiền tệ.
Sở dĩ phải có hoạt động này bởi vì khi muốn thực hiện hoạt động thương mại ở 1 nước nào đó, việc đầu tiên của bất cứ công ty, doanh nghiệp hay thậm chí là các cá nhân nhỏ lẻ tới những quốc gia này để du lịch hay học tập chẳng hạn, chính là CHUYỂN ĐỔI TIỀN TỆ. Bạn sẽ không thể sử dụng đồng tiền của quốc gia bạn sinh sống để giao dịch tại quốc gia khác. Vì lẽ đó, hình thức trao đổi tiền tệ xuất hiện, từ đó hình thành nên thị trường ngoại hối như ngày nay.
Ai đang tham gia thị trường ngoại hối?
Ban đầu, thị trường ngoại hối ra đời nhằm mục đích chủ yếu phục vụ nhu cầu về ngoại tệ cho các ngân hàng, công ty và các tổ chức tài chính lớn, với vốn từ 10 triệu USD trở lên. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, các hệ thống giao dịch trực tuyến và các tổ chức môi giới ra đời, đã tạo điều kiện cho những cá nhân nhỏ lẻ như chúng ta được phép giao dịch trên thị trường này.
Các đối tượng tham gia trên thị trường ngoại hối bao gồm: các ngân hàng thương mại, ngân hàng trung ương, nhà môi giới, các tổ chức tài chính, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ phòng hộ… và đặc biệt là những cá nhân nhỏ lẻ có vốn đầu tư.
Trong đó, trung tâm đầu tư ngoại hối chính là thị trường liên ngân hàng (các ngân hàng thương mại giao dịch ngoại hối trực tiếp với nhau hoặc thông qua nhà môi giới), có khối lượng giao dịch lớn nhất, là những big boys quyết định đến giá cả của tiền tệ. Với những trader nhỏ lẻ như tôi hay bạn chỉ chiếm chưa tới 3% trong thị trường này, nên thực tế chúng ta chỉ là những “cá con” không thực sự gây ảnh hướng mạnh mẽ như các ngân hàng Trung Ương, hay các nhà cung cấp dịch vụ ngoại hối khác.
Ngân hàng trung ương
Là tổ chức có ảnh hưởng lớn nhất đến giá trị tiền tệ của một quốc gia. Bằng sự can thiệp của mình, ngân hàng trung ương có thể tăng hoặc giảm giá trị đồng nội tệ để điều hành nền kinh tế ở mức cân bằng. Đồng thời, ngân hàng trung ương cũng tham gia vào hoạt động mua, bán ngoại hối để đảm bảo hoạt động cho các khách hàng của mình, chính là các ngân hàng thương mại.
Ngân hàng thương mại
Các ngân hàng thương mại là trung tâm của thị trường ngoại hối, khi mà phần lớn các hoạt động giao dịch đều đến từ khu vực này.
Ngân hàng thương mại giao dịch ngoại hối để phục vụ nhu cầu về ngoại tệ, để kinh doanh kiếm lời cho chính bản thân ngân hàng hoặc cho khách hàng của họ.
Nhà môi giới ngoại hối
Là tổ chức cung cấp quyền truy cập vào thị trường ngoại hối toàn cầu cho các tổ chức, cá nhân trên toàn thế giới thông qua các sàn giao dịch trực tuyến.
Như trên chúng tôi có nói các ngân hàng trung ương, các nhà cung cấp thanh khoản sẽ là những nhân tố chính tham gia thị trường. Tuy nhiên, nhà môi giới ngoại hối cũng là 1 trong những thành phần ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới trader. Chính vì thế, nếu đã tham gia thị trường forex hay đầu tư ngoại hối, bạn nên lưu tâm và lựa chọn 1 broker thực sự uy tín, để tránh mua “bực” vào người.
Sở dĩ nói như vậy là bởi trong rất nhiều bài viết chúng tôi cũng đã phân tích với các bạn rằng, sàn forex chính là thủ quỹ của trader, 1 “tay hòm chìa khóa” thực sự!